Mọc răng khôn có lẽ là nỗi ám ảnh lớn trong cuộc đời của hầu hết chúng ta. Bởi nó không mọc bình thường như những răng khác mà thường kéo theo các cơn đau nhức, khó chịu. Vậy tại sao mọc răng khôn lại bị đau, có nên nhổ răng khôn khi đang bị đau hay không? Đây đều là những vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, theo dõi bài viết sau để được giải đáp thắc mắc!
Những nguyên nhân khiến răng khôn mọc lên bị đau
Đa số chúng ta đều sẽ mọc răng số 8 trong độ tuổi trưởng thành, từ 18 – 25 tuổi. Các cơn đau nhức khi mọc răng khôn là điều khó tránh khỏi; bởi nó mọc ở vị trí sâu trong cùng, có rất ít khoảng trống trên xương hàm. Do đó, răng số 8 thường có xu hướng mọc lệch sang hai bên, mọc ngầm, thậm chí là đâm ngang vào chân răng số 7.
Hoặc có những trường hợp răng khôn không thể mọc lên cao được do mắc kẹt ở phần nướu. Ngoài ra, nguyên nhân khiến việc mọc răng khôn gây cảm giác đau đớn là do hiện tượng xé nướu. Đây là hiện tượng tự nhiên để răng trồi lên khỏi nướu, gây đau rát như khi bị lở miệng.
Nếu răng khôn mọc thẳng mà vẫn bị đau, cho thấy người bệnh đã mắc bệnh lý về răng miệng. Chiếc răng này nằm ở vị trí sâu trong cùng nên việc vệ sinh sạch sẽ khá khó khăn. Do vậy nên dễ gây ra các bệnh như sâu răng, viêm tủy răng, áp xe răng, viêm nha chu…
Các nghiên cứu về việc có nên nhổ răng khôn khi đang bị đau không?
Đã có nhiều nghiên cứu y học về vấn đề có nên nhổ răng khôn khi đang bị đau không. Nghiên cứu số 1 được tác giả Frew thực hiện năm 1937 dựa trên chính kinh nghiệm bản thân. Ông cho rằng không nên nhổ những chiếc răng khôn bị viêm quanh chân răng; vì việc nhổ sẽ làm vi khuẩn lan rộng dẫn đến viêm tủy xương hàm.
Tuy nhiên, sau này đã có nhiều nghiên cứu chặt chẽ, chuyên sâu với những bằng chứng rõ ràng hơn. Nghiên cứu thứ 2 năm 1939 của Gluck đã dựa trên sự theo dõi 600 bệnh nhân nhổ răng khôn. Gluck cho ra kết quả nhổ răng khôn khi đang có viêm sẽ giải quyết về đề đau đớn; đồng thời cũng khắc phục hiệu quả tình trạng nhiễm trùng.
Nghiên cứu thứ 3 được Fasa Lulla thực hiện vào năm 2017 trên 50 bệnh nhân gồm nam và nữ. Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm, đều là những người đang bị viêm đau răng khôn cấp tính. Mỗi nhóm gồm 25 người, nhóm 1 tiến hành nhổ răng ngay, còn nhóm 2 được kê đơn kháng sinh. Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc nhổ răng sớm mang lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân. Giúp giảm thời gian gặp nha sĩ, giảm thời gian – chi phí điều trị, không phải dùng nhiều kháng sinh.
Và nghiên cứu gần đây nhất là của nhóm tác giả Bozkurt Kubilay thực hiện vào năm 2018. Nhóm đưa ra kết luận rằng không nên trì hoãn nhổ răng bằng kháng sinh, nhổ càng sớm càng tốt.
Những trường hợp nên nhổ răng khôn khi đang bị đau
Như vậy, qua các nghiên cứu, câu trả lời chính là có nên nhổ răng khôn khi đang bị đau; cụ thể cho các trường hợp như sau:
- Răng khôn bị đau do mọc sai vị trí: chiếm tới 60% các trường hợp phải nhổ răng khôn. Việc loại bỏ chiếc răng này sẽ hạn chế sự ảnh hưởng tới dây thần kinh và các răng khác. Trường hợp không cần nhổ răng khôn mọc lệch là khi nó không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
- Răng khôn bị sâu: là tình trạng phổ biến của con người khi răng số 8 mọc lên. Bởi thức ăn thường mắc kẹt ở đây và khó được vệ sinh sạch, cần nhổ răng sớm để không ảnh hưởng tới các răng bên cạnh.
- Mọc răng khôn bị viêm nướu: xảy ra khi răng số 8 kẹt ở nướu răng, không trồi lên được. Nhổ răng khôn sớm sẽ tránh được tình trạng viêm, sâu chân – tủy răng, hoại tử xương hàm…
Hơn hết, người bệnh nên đi thăm khám nha sĩ khi cảm thấy đau nhức ở vùng răng hàm. Như vậy, sẽ được các nha sĩ kiểm tra kỹ lưỡng và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả.
Những trường hợp không nên thực hiện nhổ răng khôn
Nhổ răng khôn bị viêm đau là việc cần thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm cho khoang miệng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bác sĩ khuyên không nên thực hiện nhổ dù đang bị đau nhức:
- Khi người bệnh mới ốm dậy: lúc này hệ miễn dịch vẫn chưa được ổn định, cơ thể còn yếu. Vì vậy, cần phải nghỉ ngơi để hồi phục lại rồi mới có thể tiến hành nhổ bỏ răng khôn.
- Phụ nữ đang mang thai: có hàm lượng canxi không ổn định và cần bổ sung nhiều dưỡng chất. Sau khi nhổ răng khôn, sẽ phải kiêng một số loại đồ ăn, vì vậy mẹ bầu không nên nhổ. Ngoài ra, việc nhổ răng số 8 phải sử dụng thuốc tê, có tác động không tốt cho thai nhi.
- Phụ nữ đang trong giai đoạn kinh nguyệt: là thời điểm mà sức khỏe của họ không ổn định. Việc nhổ răng khôn lúc này sẽ chỉ khiến cơ thể càng thêm mệt mỏi, hồi phục chậm hơn.